Điểm Nhiên Tinh Hỏa - Chương 4:
Cập nhật lúc: 2024-12-15 13:01:36
32
Hôm sau, phu tử lại mang đến mấy tờ giấy.
Ông hơi áy náy nói, đây vẫn là những câu hỏi của học trò tên Trần Nhất đặt ra.
Nhưng ông không thể trả lời.
Ta cúi đầu nhìn vài câu cuối trên giấy.
Trong lòng ta đã có đáp án.
Để khơi gợi tư duy, ta từng sử dụng học đường để truyền bá một số câu chuyện.
Những câu chuyện đó được viết bằng văn phong giản dị nhất, dưới hình thức ngụ ngôn và truyền thuyết.
Ta đã kể chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ, trong đó lồng ghép khung dệt.
Kể chuyện giọt nước mắt của Thần Mặt Trời, ám chỉ máy hơi nước.
Kể chuyện kỹ thuật của Thần Nông, thực chất là lúa lai.
Còn rất nhiều, rất nhiều nữa.
Thật ra, có vài thứ ta cũng không quá hiểu, nhưng ta chỉ cần vẽ nên một hình ảnh và gợi ý phương hướng.
Bởi vì việc ta cần làm chỉ là một cái mồi.
Trong khi tư tưởng và năng lực sản xuất chưa sẵn sàng để tiếp cận cách mạng công nghiệp, ta sẽ không đặt sản phẩm hoàn chỉnh trước mặt họ.
Nhưng khi họ có ý thức để tự tạo ra những thứ này, những gợi ý đó có lẽ sẽ giúp họ rút ngắn vài chặng đường.
Mà vài câu cuối trên tờ giấy này, tất cả đều liên quan đến cải tiến khung dệt và luyện kim.
Không phải câu hỏi vu vơ, mà là những vấn đề thực tế.
Rõ ràng, người tên Trần Nhất này đã bắt đầu thực hành.
Ta lặng lẽ tính toán.
Khai giảng chưa đến bốn tháng, các câu chuyện được lan truyền chỉ mới ba tháng.
Có thể nhạy bén lấy cảm hứng từ câu chuyện.
Có thể ngay lập tức ứng dụng lý thuyết trong lớp học.
Và có năng lực bắt tay vào cải tiến, dám thử và sai nhiều lần.
Người tên Trần Nhất này, rốt cuộc có thân phận gì?
Đầu ngón tay ta hơi lạnh khi nắm lấy tờ giấy.
Ta không để lộ vẻ gì, vẫn như thường ngày cầm bút viết lời giải, giao lại cho phu tử.
(Truyện được làm bởi Mỗi ngày thích làm Cá Muối, cấm reup)
33
Sáng hôm sau, ta đến học đường.
Sau giờ tan học, ta bước về phía trà đường, nơi phu tử thường nghỉ ngơi, và quả nhiên, Trần Nhất đang ở đó.
Nhiều năm sau, khi nhớ lại cảnh tượng hôm nay, ký ức đã dần phai nhạt.
Nhưng dáng vẻ của Phí Dịch đứng dưới cây đào, cánh hoa rơi đầy vai, tràn ngập khí khái thiếu niên, thì vẫn rõ ràng như hôm qua.
Chỉ có điều khi ấy, ta chưa biết hắn tên là Phí Dịch.
34
Hắn có vẻ hơi ngạc nhiên.
Ta đoán, hắn đã sớm biết "giáo viên" thực sự của học đường này là người khác, nhưng có lẽ không ngờ lại là một đứa trẻ như ta.
"Xin hỏi, vị… tiểu tiên sinh này có thể giải đáp thắc mắc cho tại hạ không?" Hắn hành lễ một cách nghiêm túc.
Ta nghiêng người tránh lễ.
"Giải đáp thì không dám." Ta khàn giọng đáp.
Người này xuất thân sâu xa khó lường, vừa có tiền vừa có quyền, ngay cả chuyện luyện thép cũng có thể thử nghiệm dễ dàng.
Nếu hắn muốn tính toán với ta, ta e rằng không có chút sức lực nào để đối phó.
Vậy nên, chi bằng cứ nói rõ ràng.
"Những vấn đề công tử đưa ra không khó giải đáp, chỉ là tại hạ muốn hỏi một câu: chí hướng của công tử là gì?"
Hắn mở tờ giấy ra, chỉ vào những dòng chữ trên đó.
"Tiểu tiên sinh tài cao, vài dòng chữ đáng giá vạn kim. Hẳn là mở học đường vì muốn lập mệnh cho bách tính. Trần mỗ ngu dốt, nhưng nguyện cùng người đồng đạo."
"Có lẽ đạo của ta không phải đạo của công tử." Ta nhìn hắn, ánh mắt kiên định.
"Kinh thành phú hộ tranh nhau xa hoa, nhưng ta đã đi qua những nơi hẻo lánh. Người không đủ ăn, không đủ mặc, nhiều không kể xiết. Mỗi mùa đông lạnh, cả nhà lấy hết vải vóc đắp lên mình, vẫn bị chết vì rét."
"Nếu gặp thiên tai hay nhân họa, thành quả cả năm làm lụng còn không đủ nộp thuế, càng không có gạo mà ăn."
"Như công tử nói, vài câu chuyện này có thể đáng giá vạn kim. Nhưng vạn kim đó không phải điều ta muốn."
Hắn nghe xong, ánh mắt trầm xuống.
Ta biết hắn đã hiểu.
Nếu hắn chỉ muốn thông qua ta để chế tạo máy móc, tăng sản lượng, luyện sắt để phát tài, mà không phải vì ích lợi cho dân chúng, thì ta thà phá hủy tất cả còn hơn.
"Dân sinh khó khăn, công tử sinh ra trên mây cao, làm sao hiểu được."
Hắn thở dài: "Trần mỗ hiểu."
Ta cười nhạt, ngụ ý rõ ràng.
Ta ngẩng đầu nhìn hắn.
Hắn lặp lại: "Cảm giác ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ta hiểu."
Hắn nhìn ta rất nghiêm túc.
Nói với ta, hắn không biết vì sao ta hiểu những điều này, cũng không muốn và sẽ không truy hỏi.
Chỉ là, nếu thực sự có cách để mọi người đều được ăn no mặc ấm, thì đó là phúc lớn cho thiên hạ.
Hắn cúi người hành lễ với ta, ngẩng đầu lên nói: "Xin tiểu tiên sinh chỉ giáo."
Đôi mắt hắn rất đẹp.
Cảm giác toát ra từ đó, ta cũng rất quen thuộc.
Ta từng nhìn thấy trong đôi mắt mẫu thân ta.
Ta nghĩ một chút, rồi gật đầu.
35
Cứ như vậy, hắn không vạch trần thân phận nữ nhi của ta.
Ta cũng không truy hỏi thân phận của hắn.
Cứ coi như chúng ta là đồng hành tạm thời.
Ta vẽ lại bản thiết kế khung dệt mà hắn gửi đến, dù vẫn còn cách khung dệt bay một khoảng, nhưng đã đủ để tăng hiệu suất lên vài lần.
Quả nhiên, một tháng sau, hắn mang đến vài tấm vải thành phẩm.
Hắn rất phấn khởi nói với ta, trước đây vài thợ dệt phải làm nửa ngày mới xong một tấm vải, giờ chỉ cần một người, một canh giờ là xong.
Chỉ cần có thể phổ biến, không đến vài năm.
Có lẽ thật sự sẽ có ngày mọi người đều được mặc ấm.
36.
Vào mùa thu, bà nội ta lên núi lễ Phật, trong nhà lại càng thoải mái hơn.
Ta và Trần Nhất thường xuyên gặp nhau ở học đường. Hắn đưa cho ta phản hồi về các vấn đề thực tế khi sử dụng, còn ta thì chỉnh sửa lại bản thiết kế.
Đi lại nhiều, dần dần hắn cũng quen thân hơn với nhóm học trò ở đây.
Có một bạn học đùa rằng ta thân hình quá gầy yếu, cậu ấy vừa lĩnh tiền công, nhất định phải mua cho ta hai cân xương lớn để bồi bổ.
Cậu ấy làm phụ bếp ở một quán ăn gần đó, tan làm thường ghé qua nghe giảng.
Nói đến hứng khởi, cậu ấy vô thức vươn tay định khoác vai ta.
Nhưng tay đã bị Trần Nhất chặn lại.
Cậu ấy chẳng để ý, chỉ lẩm bẩm vài câu rồi quay đi làm việc khác.
Ta quay lại nhìn hắn, im lặng cảm ơn vì đã giúp ta giải vây.
Hắn có chút ngượng ngùng, vành tai hơi đỏ, nhưng không nói thêm gì.
Hắn chỉ thông báo rằng đã mời hơn trăm lão nông có kinh nghiệm để thử nghiệm giống lúa lai của ta. Nếu thuận lợi, đến mùa thứ hai năm sau có thể bắt đầu chọn giống.
37
Phụ thân đã đi được bảy tháng, nghe nói tình hình bình định nổi loạn không mấy khả quan.
Bà nội ngày ngày lên núi cầu phúc cho ông, đến Tết cũng không trở về.
Đêm giao thừa trong phủ trôi qua khá đìu hiu.
Cúng tổ xong, mẫu thân bảo các phòng về viện riêng của mình đón giao thừa, cũng thoải mái hơn.
Ta lười biếng ngồi lì trong phòng mẫu thân.
Chuyện của Trần Nhất bà đã biết từ lâu. Sau khi gặp hắn, bà cho rằng người này rất thích hợp để bồi dưỡng, thế là mặc kệ ta đi lại với hắn.
Còn bà thì càng bận rộn hơn.
Ở học phủ, ta phụ trách kiến thức chuyên môn, còn mẫu thân thì phụ trách phát triển quần chúng.
Về khoản tuyên truyền, ta rất tin vào năng lực của bà.
Đến mức nếu một ngày nào đó ở đâu đó có người giương cờ đỏ khởi nghĩa, ta cũng chẳng thấy ngạc nhiên.
Qua giờ Tý, nhận được tiền lì xì, ta mãn nguyện trở về viện.
Ngồi trước gương, ta định cất kho báu nhỏ của mình.
Nhưng phát hiện một cây trâm đang được đặt ngay ngắn trên bàn trang điểm.
Cây trâm ấy có thiết kế rất đặc biệt.
Đỉnh trâm được chạm khắc bằng hoàng ngọc thành hình bông lúa. Tuy không tinh xảo, nhưng từng hạt lúa đều căng tròn.
Dưới trâm là một tờ giấy.
"Tuổi cũ lại đón năm mới sang, xuân đến thêm cành hoa đẹp nở."
38.
Qua Tết, học đường mở lớp lại.
Có vài học trò không đến nữa, nhưng phần lớn vẫn tiếp tục.
Trận tuyết đầu tiên của năm vừa rơi.
Trần Nhất vô thức giơ tay định phủi bông tuyết trên vai ta, nhưng không biết nghĩ gì, tay khựng lại giữa chừng.
"Cây trâm không đẹp sao? Sao không đeo?" Giọng hắn mang chút tiếc nuối.
"Ừm…" Ta nghiêng đầu suy nghĩ, "Rất đẹp, chỉ là không hợp với ta lắm."
Hắn cười, như trăng sáng vào lòng: "Vậy lần sau, ta mang đến cho nàng thứ hợp hơn."
Ta không trả lời hắn.
Đằng xa, vài học trò quen thuộc đang gọi ta và hắn, bảo mang theo rượu, muốn tranh thủ tháng Giêng chưa qua mà tụ họp vui vẻ.
Khó khăn lắm mới tan học, cả đám liền vây thành một vòng.
Trần Nhất vẫn cố gắng ngồi chắn giữa ta và những nam học trò khác, mùi hương thanh mát như tùng thông quanh quẩn nơi mũi ta.
Rượu là của vị học trò từng làm phụ bếp mang đến.
Nhờ học toán trong lớp, giờ cậu ấy đã làm sổ sách, tiền công cũng tăng, xem như dư dả trong nhóm học trò.
Dẫu là loại rượu rẻ nhất trên phố, nhưng cùng với hai đĩa lạc rang, cả bàn cũng bắt đầu rôm rả câu chuyện.
Ta nghiêng đầu nhìn Trần Nhất.
Hắn đang cười, nâng chén chúc Tết mấy học trò lớn tuổi.
Rượu vào, không thấy hắn có chút chê bai nào.
Ta thầm bội phục.
Ở gần lâu ngày, ta cũng hiểu thêm về hắn.
Dù chưa rõ rốt cuộc hắn là công tử nhà nào, nhưng nghe hắn kể, thuở nhỏ hắn từng sống rất cực khổ.
Hắn nói rằng khả năng nhận biết rau dại của hắn là nhờ luyện từ khi còn bé.
Lớn lên, hắn có vẻ từng ra biên cương mấy năm, thường kể ta nghe phong thổ vùng đó.
Có lẽ vì vậy, mới hình thành tính cách "bất chấp khuôn phép" và "đam mê khoa học" như bây giờ.
Khi rượu vào đến hứng, một người bỗng bí hiểm mở lời:
"Ta nghe tỷ phu làm trong hầu phủ kể rằng, từ khi tiểu thư của phủ Trấn Quốc Công rơi xuống nước năm ngoái, nàng như biến thành một người khác."
"Trước đây có chút ngốc nghếch, nhưng đột nhiên lại thông minh vượt trội."
"Ta cũng nghe nói! Tiểu thư đó giờ lợi hại lắm, xử lý tất cả đích thứ trong phủ đều phải ngoan ngoãn nghe lời. Bây giờ, cả phủ Trấn Quốc Công đều nghe nàng chỉ đạo!"